Những món ăn hỗ trợ bệnh viêm loét dạ dày

Những món ăn hỗ trợ bệnh viêm loét dạ dày – Viêm loét dạ dày – tá tràng, là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Đặc điểm của bệnh là tùy theo các vị trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi là viêm dạ dày, viêm hang vị, viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ hoặc loét bờ cong nhỏ, loét hang vị, loét tiền môn vị, viêm loét tá tràng hoặc viêm cả dạ dày và hành tá tràng.
Theo kết quả nghên cứu y học cổ truyền, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống. Do tình chí bị kích thích dẫn đến can khí uất kết mất khả năng sơ tiết, làm rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây ra các triệu chứng đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… Y học cổ truyền chia chứng vị quản thống làm các thể tùy từng thể bệnh mà có những phương thuốc phù hợp. Sau đây là một số món ăn nhằm hỗ trợ điều trị tốt cho người bệnh.
 

Bệnh dạ dày

Bệnh dạ dày


Cách nhận biết bệnh viêm loét dạ dày:

  • Vùng bụng trên (thượng vị) đau, ợ hơi, ợ chua, nóng rát, đau từng cơn lúc đói hoặc vào ban đêm. Bệnh nhân có thể buồn nôn, đầy bụng, chậm tiêu. Khi ăn vào, cơn đau có thể dịu đi. Nếu uống thuốc chữa dạ dày thì giảm đau rõ rệt. Nếu người bệnh đi đại tiện phân đen như bã cà phê, có mùi khắm thì có thể đã bị chảy máu dạ dày.
  • Mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, hay chập chờn về đêm.
  • Khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh vào viện vì các biến chứng như: xuất huyết đường tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị, hoặc nội soi kiểm tra phát hiện ra bệnh.

Bài 1: Thịt nạc 100g, nấm rơm 100g, gia vị vừa đủ. Nấm tươi rửa sạch, thịt nạc rửa sạch thái miếng. Sau đó cho vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Khi thịt chín, nêm gia vị cho vừa miệng.
Bài 2: Gạo tẻ 100g, tiểu hồi hương 6g, gừng tươi 6g, sắc lấy nước, cho gạo tẻ nấu thành cháo loãng. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính, yếu lạnh đau bụng.
Bài 3: Đậu tương 100g, dạ dày lợn 1 bộ, rửa sạch, thêm nước vừa đủ, đun nhừ chia bữa ăn. Dùng cho người viêm dạ dày mạn tính, sức khỏe kém.
Bài 4: Dạ dày dê một cái hầm với gừng tươi, riềng và nhục quế (lượng vừa đủ), chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn.
Bài 5: Một ít hạt súng, phục linh, hạt sen, hoài sơn dược, hồng táo, bạch truật, ý dĩ nhân, đẳng sâm, cam thảo nghiền thành bột, mỗi lần lấy 30g, cho vào nước để nóng hoặc cho vào cháo ăn.
Bài 6: Gạo tẻ 30g, khiếm thực 30g, hạt sen 20g, một ít đường trắng. Gạo tẻ vo sạch ngâm 20 phút, hạt sen bỏ tim nếu là hạt sen khô ngâm trong nước độ 1 giờ đồng hồ, rồi cho hạt sen, khiếm thực và gạo vào nồi cùng nước nấu thành cháo, khuấy đều, thêm đường trắng.
Bài 7: Đậu đỏ 30g, Kê 50g, lạc 50g, đường phèn lượng vừa đủ. Cho kê, lạc và đậu đỏ ngâm cho nở, sau đó rửa sạch. Cho lạc và đậu đỏ vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, đun lửa to cho sôi, rồi chuyển lửa nhỏ trong 30 phút. Sau đó cho kê vào đun cùng tới khi chín nhừ, thêm đường phèn nêm vừa miệng.
Bài 8: Kê nội kim sống 100g, triết bối mẫu 40g, hoài sơn dược 100g,  bán hạ ngâm dấm 60g,  nghiền thành bột, mỗi lần 3g, uống với nước, ngày 3 lần.
Các món ăn, bài thuốc trên có thể ăn 3 – 5 lần, sau đó nghỉ 1 tuần lại dùng tiếp. Ngoài ra, để chữa trị hiệu quả phải kết hợp dùng thuốc và chế độ ăn uống phù hợp. Trước hết người bệnh cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc. Ăn uống phải đúng giờ, ăn những thứ dễ tiêu hóa. Không nên ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá. Khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ. Nên ăn nhiều bữa và số lượng thức ăn trong mỗi bữa có thể ít đi. Hạn chế ăn các thực phẩm ướp hoặc xào rán, ít ăn các thực phẩm mặn và các loại bánh quá ngọt.

Bác sĩ Trần Huy – web Soha

Bài viết liên quan